Chúng tôi khởi hành ở Hà Nội lúc 3h sáng, trời tối nhưng phố Hà Nội vẫn sáng đèn và những hàng ăn đêm vẫn xôn xao tiếng nói chuyện. Một số người đã thao thức cả đêm mau chóng trở vào giấc ngủ, một số khác lại tiếp tục thao thức. Trước mắt chúng tôi là quãng đường dài gần 600 cây số đến với Pá Khoang, đến với ngôi trường mầm non số 2 nhỏ bé như một “ốc đảo”.
3 tháng trước, cũng tại nơi này là những bãi đất trống, những phòng học xơ xác, mỗi khi gió lùa các em nhỏ lại co rúm người vì lạnh vốn quần áo còn mong manh, chân còn đi đôi dép lê không tất. Ngày chúng tôi quay trở lại, biển trường đang treo cao, hai bên hàng rào, biển khẩu hiệu được căng kín. Trước mắt chúng tôi là một khuôn viên trường học vuông vắn với những phòng học khang trang vững trãi, không có gió lùa rét mướt, không lụp xụp tối tăm, những phòng học được sơn tường, được lát gạch hoa sáng bóng.
Chúng tôi, sau hơn 10h di chuyển trên xe qua gió và nắng dọc đường Tây Bắc lại háo hức bắt tay vào tô vẽ những bức tranh tường sinh động nhất. Bức tranh những nốt nhạc nhảy múa sẽ là góc âm nhạc của các em. Từ đây các em sẽ được hát được múa, được cảm nhận những giai điệu vui tươi rạng rỡ. Bức tranh khác là những con chữ đang đùa nghịch dành cho các bạn mẫu giáo lớn sắp bước vào lớp 1.
Bức tranh về đại dương bao la nơi có những chú cá heo tung tăng bơi lội hay trên trời xanh chú hươu cao cổ đang lái máy bay… Những bức vẽ đơn sơ nhưng vô vàn nhiều màu sắc, chúng tôi một lần nữa như được sống lại tuổi thơ của chính mình với những hình dung về cuộc sống muôn vàn rực rỡ. Nhưng trên tất cả, chúng tôi vui hơn khi hình dung đến những em nhỏ sẽ ngồi học tại những căn phòng nhỏ bé này.
Sẽ có 73 em bé không còn phải theo mẹ lên nương rẫy, không phải ở nhà lân la nghịch đất cát, anh trông em, chị chăm em. Các em sẽ được gặp các bạn, được các cô dạy về vệ sinh cá nhân, những quy tắc lễ phép, được nhận biết những đồ vật, được nghe đọc thơ kể truyện, dạy tô màu vẽ tranh….
Hàng ngày tôi và các bạn, chúng ta thường tìm mua thức ăn nào tốt cho con, sữa xách tay, thực phẩm sạch, quần áo đẹp, trường lớp tốt. Còn ở đây, một chiếc bánh xốp, một hộp sữa, một đôi dép cũng đã khiến các em nhỏ vui thích lắm rồi. Ở đây phần lớn là dân tộc Khơ Mú, với họ việc xây dựng kinh tế vẫn còn là những định nghĩa còn xa vời, họ chỉ biết trồng ngô khoai sắn để nấu rượu và đi rừng để hái măng để ăn.
Ở đây các xã rộng mênh mông và các gia đình sống cách nhau hàng km, riêng trường Mầm non số 2 Pá Khoang cũng có tới 3 điểm trường khác nhau. Nếu chỉ có một điểm trường thì các bạn ở xa chắc chắn không bao giờ có cơ hội được đến lớp. Ở đây, các cô giáo phải đi vận động từng gia đình gửi con đi trẻ để trẻ được giáo dục những nếp sống mới văn minh hơn. Những cô giáo của trường mầm non Pá Khoang số nhiều là người Kinh hoặc từ các nơi khác đến.
Họ đến với các em nhỏ bằng tình yêu thương và sự tâm huyết, bởi sẽ có những ai sẵn sàng lặn lội hơn 600 cây số sống xa gia đình để đến một vùng đất kinh tế còn yếu kém, điều kiện vật chất còn nhiều thiếu thốn? Chắc chắn phải có một động lực ghê gớm lắm, đó là tình yêu nghề, yêu trẻ của các cô.
Chúng tôi chỉ ở lại đúng 1 ngày và phải rời đi đúng lúc trời trở gió lạnh và mưa. Tiếng gió thổi, mưa rơi làm rừng cây xào xạc. Đoạn đường qua đèo Pha Đin với sương mù dày đặc, thấp thoáng trong sương là những dãy núi đồi trùng điệp. Trong mỗi người chúng tôi đều ghi dấu hình ảnh những gương mặt ngây ngô của các em nhỏ Pá Khoang, hình dung về những ánh mắt tươi vui, những tiếng cười trong veo trong những phòng học mới, chúng tôi không ai bảo ai đều cảm thấy lòng mình rạng rỡ.